Kinh tế Tp.HCM tiếp tục đà tăng trưởng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Admin

Kinh tế - xã hội Tp.HCM tiếp tục đà tăng trưởng nhưng có dấu hiệu chậm lại và xuất hiện một số biểu hiện khó khăn, cần tìm giải pháp hiệu quả.

Kinh tế phục hồi chưa đủ nhanh

Vừa qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên họp thường kỳ đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 đồng thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho tháng 5.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh nhận định, so với cả nước, kinh tế TP đang phát triển theo hướng tích cực, duy trì mức phục hồi so với quý I song chưa có bước tiến đủ mạnh.

Vị này cho biết sản xuất công nghiệp đã tăng hơn 5%, nếu như tính từ sau dịch Covid-19 đến nay bình quân hàng năm chỉ tăng hơn 2%, điều này cho thấy mức phục hồi còn khá chậm. Đối với doanh nghiệp, đơn hàng đã quay trở lại, nhưng thời gian đơn hàng ngắn trong khi giá lại tăng, cùng với chi phí đầu vào tăng, khiến lợi nhuận sụt giảm, điều này khiến động lực của các doanh nghiệp vơi dần.

Trong 4 tháng vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa tại thành phố Hồ Chí Minh tăng trên 12%, là mức tăng khá cao trong thời gian vừa qua (cả nước tăng gần 9%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5%; du lịch lữ hành có mức tăng khá với 72%, doanh thu lưu trú, ăn uống tăng 57%...

“Nhìn chung, kinh tế Thành phố có tăng trưởng, duy trì tích cực nhưng chưa có sự đột phá. Do đó, trong quý II, các giải pháp đặt ra cần chú trọng động lực tiêu dùng nội địa, vốn đầu tư công, sớm đưa các công trình mới vào hoạt động, tiếp tục đồng hành và tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp”, ông Hoàng nêu ý kiến.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 4, tiếp theo đà tăng trưởng quý 1, các chỉ số đều tăng so với cùng kỳ.

Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao nhất kể từ năm 2022; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng; dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố tăng dần qua từng tháng, đạt 9,5% so với cùng kỳ; tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước tăng gần 8%. Ngoài ra, lượng kiều hối về Thành phố tăng 35% (đạt gần 2,9 tỷ USD).

Bước qua tháng 4, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn có nhiều khởi sắc và thuận lợi khi kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 được kéo dài. Các đơn vị kinh doanh triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, ưu đãi để kích cầu tiêu dùng. Dự báo thị trường du lịch sẽ trở nên sôi động do nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân tăng cao trong dịp lễ.

Tuy nhiên, bà Mai cho rằng vẫn còn các hạn chế cần lưu ý như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Đến ngày 26/4, thành phố Hồ Chí Minh mới giải ngân hơn 5.969 tỷ đồng, dù tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng mới đạt chưa tới 8% số vốn được giao.

Ngoài ra, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động có xu hướng tăng, vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp tiếp tục giảm; hoạt động ngoại hối, tỷ giá và giá vàng có diễn biến tăng; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng tăng so với cùng kỳ; thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt...

Tìm giải pháp khơi thông đầu tư công

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: “Sau giai đoạn "nước rút" của cuối năm 2023 và nỗ lực của quý 1/2024 thì tháng 4 vừa qua, kết quả giải ngân đầu tư công của Thành phố chùng lại. Từng chủ đầu tư, từng cơ quan có liên quan cần hết sức nghiêm túc kiểm điểm để có giải pháp khắc phục”.

Đến nay, thành phố Hồ Chí Minh còn khoảng 70.000 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công năm nay, có nghĩa là từ nay đến hết năm, mỗi tháng Thành phố phải giải ngân 10.000 tỷ đồng.

Để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này, ông Mãi đề nghị Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng - người sẽ trực tiếp phụ trách công tác này có chỉ đạo hằng tuần, thậm chí là hằng ngày.

"Chúng ta đã có chương trình hành động về đầu tư công, đề nghị tất cả các đồng chí căn cứ chương trình này để triển khai. Chúng ta cũng sẽ duy trì hoạt động của các tổ công tác đầu tư công, Ban chỉ đạo công trình, dự án trọng điểm để tháo gỡ các vướng mắc", ông Mãi yêu cầu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị các chủ đầu tư phải lên kế hoạch giải ngân hằng tháng và giám sát theo kế hoạch này.

Thêm nữa, cần hết sức tập trung đối với các dự án chuyển tiếp. Các dự án đã chuyển tiếp từ năm 2022, 2023 thì 4 tháng đầu năm nay, khối lượng giải ngân rất thấp, thậm chí là có một số dự án đã đấu thầu từ cuối năm 2023 nhưng tới giờ này gần như chưa có khối lượng thi công. Vì vậy, phải đẩy nhanh các dự án chuyển tiếp để có khối lượng, nhất là các dự án lớn.

Còn đối với các nhà thầu năng lực yếu, người đứng đầu chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cho rằng phải xử lý nghiêm. Đồng thời, Thành phố sẽ cắt vốn các dự án không thể tiếp tục được nữa và nhanh chóng thay bằng những dự án đã được chuẩn bị và có đủ điều kiện.

Năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công là hơn 79.263 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là hơn 3.168 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là hơn 75.577 tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 26/4, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 Thành phố đã giải ngân là gần 5.970 tỷ đồng, đạt 7,5% số vốn được giao.